Phạm Văn Công
Ce qui suit est un temoignage trouvé sur fr.blog.360.yahoo.com
J’essaierai d’en avoir la traduction complète ultérieurement.
Nhân ngày 2/9(đã qua) viết về cụ nội
Sơ lược về thân thế và hoạt động
của ông Phạm Văn Công - Việt kiều Tân Thế Giới
được Hồ chủ Tịch đến thăm tại nhà (97 Đại la, khu Hai Bà Trưng - Hà nội)
vào dịp Tết năm 1962.
-----------------------------
bản gửi Viện bảo tàng HCM 1999
Ông Phạm Văn Công sinh năm 1915 tại thôn Cổ Khúc, xã Phong Châu, huyện Tiên Hưng (Đông Hưng ngày nay), tỉnh Thái Bình. Mồ côi cha mẹ từ năm 14 tuổi, không có ruộng vườn, ông phải đi làm thuê từ nhỏ.
Năm 1939, ông cùng vợ là Nguyễn Thị Quyển rời quê hương đi phu mộ sang Tân Thế Giới (Nouvelle - Calédonie) - thuộc địa của Pháp - làm công nhân khai thác mỏ "kền" (nickel) cho chủ Pháp.
Theo "giao kèo" - hợp đồng - thì sau 05 năm chủ phải trả những người "cu ly" - phu mộ Việt Nam về quê hương. Thế nhưng, viện cớ chiến tranh Đông Dương nên Pháp trì hoãn hồi hương Việt kiều để giữ được lực lượng lao động rẻ mạt này cho chúng.
Sau nhiều lần đòi quyền về nước không được, năm 1945 ông cùng một nhóm anh em vận động bà con lao động Việt Nam bãi công, kéo "cờ đỏ sao vàng" đòi được tự do tìm việc làm thoát khỏi ràng buộc của "giao kèo làm cu ly". Năm đó ông cùng vợ cũng gia nhập Đảng Cộng sản Pháp do bà Tunica - một người Nga - làm bí tư chi bộ.
Cuộc bãi công kéo dài 03 năm, chủ Pháp phải chấp nhận yêu sách về quyền lao động của những người phu mộ Việt Nam. Năm 1949, ông cùng gia đình chuyển ra thành phố Nouméa, học nghề may đo kiếm sống.
Trong quá trình này gia đình ông vẫn hướng về Đất nước, theo dõi và ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào trong nước : ông là một trong những người lãnh đạo Việt kiều ở Tân Thế Giới thành lập "Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới" để cổ vũ tinh thần đoàn kết và yêu nước của bà con Việt kiều. Ông được bà con tín nhiệm bàu nhiều khoá làm Tổng thư ký Hội. Ngoài tổ chức này ông còn là Đại biểu của "Hội Hàng Tỉnh" - những tổ chức Việt kiều theo địa lý quê hương - để đoàn kết thăm hỏi, giúp đỡ nhau thường xuyên cũng như những lúc đau yếu, khó khăn...
Năm 1954, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi và hoà bình được lập lại ở Đông Dương, chính quyền địa phương và một nhóm những tên thực dân thua trận từ Đông Dương quay về, cũng trở lại o ép kiều bào nhiều hơn. Chúng bắt đóng cửa trường học dạy tiếng Việt Nam, giải tán Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới và tịch thu tài sản in ấn... của Hội. Ông cùng những anh em lãnh đạo khác rút Hội vào họp hành và dạy tiếng Việt bí mật cho trẻ em. Nhà ông chính là một cơ sở thường xuyên nhất để làm những việc này. Giai đoạn này việc lãnh đạo Việt kiều nhằm 2 mục đích chính : đòi quyền hồi hương về miền Bắc Việt Nam và quyên góp ủng hộ Tổ Quốc nhân dịp những ngày quốc khánh (2-9) và thương binh liệt sỹ (27-7)...Trong nhiều năm liên tục ông giữ sổ sách và giúp đỡ bà con chuyển tiền qua Ngân hàng Thương mại Bắc Âu (Banque commerciale de l' Europe du Nord) về Việt Nam để giúp gia đình hoặc ủng hộ Tổ quốc. Tất cả những việc này ông và các con đều làm tự nguyện không công xá gì.
Năm 1959 chính quyền địa phương lại đưa ra các chính sách mới bắt Việt kiều đóng "thuế thân" và lấy "thẻ ngoại kiều". Đây lại là một giai đoạn đấu tranh phản đối quyết liệt của kiều bào do ông cùng một số anh em khác lãnh đạo. Với lý lẽ và yêu sách là : Pháp phải trả Việt kiều về quê hương sau 5 năm làm việc theo đúng "giao kèo", người Việt Nam không tự ý muốn ở lại Tân Thế Giới nên không đóng "thuế thân" và lấy "thẻ ngoại kiều".
Tình hình căng thẳng nên bọn chỉ điểm và cảnh sát đã xộc đến nhà ông và 8 anh em khác lãnh đạo phong trào, lục soát, tịch thu tài sản và bắt tống giam để tra hỏi. Không lay chuyển được ý chí đòi hồi hương và không khai thác được gì về tổ chức của Việt kiều, kể cả những liên lạc của ông và Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế Giới với Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (do ông Dương Bạch Mai và sau là ông Nguyễn khắc Viện đứng đầu...), chúng lập phiên toà và xét xử, kết án ông cùng 8 người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước 6 tháng tù giam biệt đảo.
Trong tù ông vẫn cùng anh em liên lạc với bên ngoài để chỉ đạo phong trào và nắm tin tức "bên nhà" - Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, kết hợp đòi Pháp thực hiện yêu sách của Việt kiều Tân Thế Giới.
Giữa năm 1959 lúc ông cùng bạn bè mãn hạn tù cũng là lúc cuộc đấu tranh của Việt kiều thắng lợi : Pháp phải chấp nhận không điều kiện ký Hiệp định trả Việt kiều về miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của bà con Việt kiều trước âm mưu của chính quyền Ngô Đình Diệm, khi đó được Pháp cho phép cử các cha cố đạo phản động và đại diện sang Tân Thế Giới dụ dỗ Việt kiều chống cộng sản, về với chính quyền miền Nam Việt Nam.
Bản thân, khi ra tù ông bị phù thận, phải nằm bệnh viện chữa trị 6 tháng liền. Do sức yếu ông được tổ chức ưu tiên sắp xếp cho gia đình về nước vào chuyến tàu đầu tiên vào đầu năm 1961. Tuy vậy, với tinh thần tận tuỵ cùng bà con kiều bào, ông đã chấp nhận để con trai cả ở lại công tác cùng Đoàn phái viên của Chính phủ ta, tổ chức cho bà con hồi hương chu đáo và cùng Đoàn về nước vào chuyến cuối cùng - 8 tháng 3 năm 1964.
Về nước, theo chủ trương của Ban Việt kiều Trung Ương ông tập họp một số bà con Việt kiều ở Tân Thế Giới và ở Thái lan mới về nước thành lập và làm chủ nhiệm HTX may đo Tân - Thái. Cũng năm ấy ông được bàu là Uỷ viên Uỷ ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tham gia phối hợp với các tổ chức của Đảng và Chính phủ về nhiều hoạt động khác liên quan đến an ninh và quyền lợi của Việt kiều.
Tết - năm 1962- gia đình ông có vinh dự lớn là được đón Bác Hồ đến thăm. Từ đó, ông càng hăng say công tác và năm 1966 lại được dự Hội nghị Chính trị đặc biệt do Hồ Chủ Tịch triệu tập bàn về chống Mỹ cứu nước.
Cũng trong năm đó, do một tai nạn giao thông bất ngờ, ông đã qua đời tại Hà nội thọ 51 tuổi.
Ông có 3 người con trai tham gia quân đội và đi chiến trường "B" . Một anh là liệt sỹ ở chiến trường Trị Thiên, một là thương binh, một là bệnh binh. Hiện nay các con ông vẫn công tác tại các cơ quan Nhà nước.
Hà nội tháng 8 - 1999
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire